Những món ăn vặt luôn là thứ hút hồn các bạn học sinh, sinh viên nên nhiều người nghĩ rằng mở một của hàng đồ ăn vặt cho giới trẻ là việc làm đơn giản. Thế nhưng, không phải ai cũng có thể thành công khi khởi nghiệp bằng một cửa hàng đồ ăn vặt. Theo kinh nghiệm của một số người đi trước, để thu hút được một lượng khách hàng đông đảo, bạn phải có sự chuẩn bị hết sức cẩn trọng.
Mở quán ăn vặt cũng cần có sự tính toán kỹ lưỡng.
- Xác định được khách hàng mục tiêu
Đây là bước đầu tiên và quan trọng nhất đối với bất kỳ ngành nghề dịch vụ nào bởi khách hàng chính là điều người làm dịch vụ phải hướng tới. Thề nên bạn buộc phải xác định được đúng đối tượng khách hàng mục tiêu muốn nhắm tới nếu không muốn thất bại thảm hại ngay trong lần kinh doanh đầu tiên.
Xác định khách hàng mục tiêu
Một cửa hàng đồ ăn vặt thông thường nhắm đến các đối tượng khách hàng mục tiêu:
– Các bạn trẻ ở độ tuổi từ 10-25 tuổi.
– Các bạn học sinh, sinh viên học tập tại các trường phổ thông, đại học trên địa bàn.
– Các bạn nữ thường thích đồ ăn vặt hơn các bạn nam.
– Tập thể lớp, nhóm, đôi… liên hoan, hẹn hò.
Tất nhiên, trong rất nhiều trường hợp, những đối tượng khách hàng này chính là một.
Việc xác định đối tượng khách hàng mục tiêu trước hết nhằm mục đích tìm hiểu thói quen ăn uống của khách để có cách thức chế biến món ăn, thiết kế quán… phù hợp với tâm lý cũng như lứa tuổi của các bạn. Cụ thể, nhóm tuổi 10-15 thường thích ăn những món đồ ăn mềm, không cay và thích được tặng kèm hoặc chơi đồ chơi tại quán. Còn đối với những khách hàng tuổi 15-25, thức ăn có thể đậm đà hơn hoặc có thêm vị cay. Những người đi theo nhóm hoặc đôi yêu nhau thì cần có không gian để giao lưu, tâm sự. Vì vậy cần có sự lựa chọn ưu tiên thiết kế quán phù hợp…
- Xác định địa điểm lý tưởng
Sau khi xác định được khách hàng mục tiêu, việc tìm kiếm địa điểm mở quán cũng là yếu tố vô cùng quan trọng để tạo nên sự thành công cho quán.
Đối với khách hàng mục tiêu của cửa hàng đồ ăn vặt là các bạn học sinh, sinh viên từ 10-25 tuổi, nên địa điểm lý tưởng nhất là gần các trường học, đặc biệt là các trường trung học cơ sở, trường đại học. Đây là những nơi dễ có khách hàng nhất. Ngoài ra địa điểm còn phải thuận tiện cho xe bus vì xe bus cũng là lựa chọn của nhiều bạn học sinh, sinh viên đồng thời cần chú ý đến chỗ để xe của khách. Một cửa hàng đồ ăn vặt không cần ở vị trí quá trung tâm hay ở mặt đường lớn, nhưng vẫn phải là một địa điểm dễ tìm kiếm.
Khi thuê mặt bằng bạn cũng cần chú ý thêm về yếu tố thời gian. Nếu chọn được vị trí đắc địa, nên thuê với thời gian dài để có điều kiện thu hút khách và kiếm đủ tiền hoàn vốn đầu tư. Một hợp đồng thuê nhà dài hạn thì giá cả cũng sẽ ổn định hơn.
- Tuyển nhân sự phù hợp
Điều làm nên sự thành công của một dịch vụ đôi khi không phải chất lượng sản phẩm mà chính là sự hài lòng của khách hàng đối với thái độ phục vụ. Do vậy, bạn cần tuyển dụng và đào tạo được những nhân viên phục vụ có cách ứng xử niềm nở, linh hoạt trước khách hàng, hiểu sở thích và đưa ra những lời khuyên bổ ích để khách hàng dễ dàng lựa chọn thực đơn.
Anh Phan Anh, người đã từng khởi nghiệp với một cửa hàng đồ ăn vặt chia sẻ: “Khởi nghiệp với một cửa hàng đồ ăn vặt không có nghĩa là bạn phải giỏi nấu ăn hay phục vụ khách hàng tốt mà quan trọng là bạn làm sao có được một đội ngũ nhân viên làm việc giỏi. Một nhân viên phục vụ mặt mũi lúc nào cũng “khó đăm đăm”, tỏ thái độ khó chịu khi khách chê bai, trả lời khách mà mắt vẫn nhìn điện thoại… sẽ làm khách hàng ngao ngán và hiếm khi nghĩ tới việc quay lại. Còn về đầu bếp, ngoài yếu tố nấu ăn ngon, bạn cần chọn những người có đam mê về chế biến đồ ăn vặt, sáng tạo để tạo ra những sản phẩm mới nhưng lại phù hợp với thị hiếu khách hàng”.
Lựa chọn sản phẩm phù hợp với thị hiếu khách hàng là điều tối quan trọng.
Ngoài ra, bạn cũng phải tạo được sự liên kết, làm việc ăn ý giữa nhân viên phục vụ và đầu bếp để họ hiểu ý nhau. Chính sự gắn kết này sẽ tạo ra một môi trường làm việc thoải mái mà hiệu quả.
- Trang trí cửa hàng
Muốn làm nổi bật phong cách cũng như thiết kế của cửa hàng đồ ăn vặt, bạn nên tạo một không gian thoáng, ngộ nghĩnh phù hợp với tâm lý của khách hàng mục tiêu. Tùy vào mức tiền có thể đầu tư mà bạn trang trí quán cho phù hợp. Tuy nhiên, thường đối với khách hàng tuổi 10-25, bạn nên chọn nội thất trẻ trung, cá tính. Ngoài ra, có thể dùng các bức tranh vẽ, giấy dán tường, vẽ tranh tường để trang trí.
Trang trí cửa hàng bằng những vật dụng trẻ trung, bắt mắt cũng là một trong những chiến lược kinh doanh của cửa hàng.
Đồ đạc của quán như bàn ghế, bát đĩa, ly cốc, menu… cũng nên theo một “tông” nhất định và mang phong cách hiện đại, trẻ trung.
- Tìm mối nhập nguyên liệu
Chất lượng món ăn luôn là điều quan trọng nhất giữ chân khách, do đó cần có nguồn nguyên liệu ổn định và đảm bảo chất lượng nhưng giá cả vẫn phải chăng.
Bạn nên hỏi những người có kinh nghiệm những mối nhập nguyên liệu rẻ, tươi ngon, nhưng không nên dùng những thực phẩm không rõ nguồn gốc. Bạn cũng không nên trữ hàng nhiều mà nên lấy mới 2 ngày một lần để hàng được tươi ngon và đảm bảo dinh dưỡng.
Ngoài ra, trước khi tạo ra những món mới, nên cho khách hàng dùng thử để khảo sát mức độ hài lòng của khách.